,

Tôn giáo

Vận động đoàn kết đồng bào các tôn giáo, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của đảng về công tác tôn giáo

Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vấn đề tôn giáo có những nội dung mới, cụ thể, năm 2003, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo, trong đó xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài”; “tổ chức tôn giáo nào có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, có tôn chỉ, mục đích, điều lệ phù hợp với luật pháp Nhà nước, có tổ chức phù hợp và bộ máy nhân sự bảo đảm tốt về cả hai mặt đạo, đời thì sẽ được Nhà nước xem xét trong từng trường hợp cụ thể để cho phép hoạt động”. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện tốt công tác tôn giáo, tình hình tôn giáo cơ bản ổn định; cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo; tín đồ của các tôn giáo cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo tích cực vận động đồng bào có đạo, các tín đồ trong tỉnh hưởng ứng tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đã đạt được nhiều kết quả.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 3 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành) với gần 56 nghìn tín đồ, 96 chức sắc, 604 chức việc, 29 nhà tu hành; đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương Tuyên Quang và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị ở các vùng đồng bào tôn giáo, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước.

Uỷ ban nhân dân tỉnh trong thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thi hành pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng. Công an tỉnh và Sở Nội vụ đã ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác quản lý Nhà nước và bảo đảm an ninh trong lĩnh vực tôn giáo. Năm 2023, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện Yên Sơn xem xét, giải quyết đề nghị về cấp đất xây dựng công trình tôn giáo đối với Hội thánh Tân Minh, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn theo quy định. Tổ chức 05 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 550 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và Nhân dân; 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tín ngưỡng, tôn giáo cho 215 cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp; thực hiện việc khảo sát, cập nhật số liệu về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023; thăm, tặng quà chúc mừng 115 chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhân dịp phong chức, phong phẩm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Lễ phục sinh, Lễ Phật đản, lễ Vu Lan...

Nhằm chống lợi dụng vấn đề tôn giáo gây mất đoàn kết dân tộc, ngày 29/9/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 4822/UBND-NC về việc một số công tác đối với “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác thông tin, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nhận thức rõ bản chất, hành vi, thủ đoạn, phương thức hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” để cảnh giác, không bị lôi kéo. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, tính đến hết tháng 10/2023, chỉ có khoảng trên 40 người bị ảnh hưởng của tổ chức tự xưng “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”; số đối tượng này không dám manh động, truyền đạo công khai.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác tôn giáo, các cấp, các ngành cần tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Nhằm chống lợi dụng vấn đề tôn giáo gây mất đoàn kết dân tộc, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm công tác tuyền truyền chính sách, pháp luật của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác nắm tình hình đoàn viên, hội viên và Nhân dân; thường xuyên tuyên truyền Nhân dân cảnh giác với các hoạt động "tà đạo", tôn giáo trái pháp luật.

                                                                                                                                                                 Nguồn: Người Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục