,

Tôn giáo

Nhận diện và cảnh giác với Pháp luân công

Pháp luân công hay còn gọi là Pháp luân Đại Pháp do Lý Hồng Chí sáng lập vào năm 1992 tại Trung Quốc. Lợi dụng các hình thức như thiền, các bài tập sinh lực, các bài giảng về đạo đức để rèn luyện sức khỏe, tu luyện tâm thân, Pháp luân công đã lôi kéo, tập hợp nhiều người dân biểu tình, bao vây, tấn công các cơ quan công quyền ở Trung Quốc. Nhiều hoạt động của Pháp luân công có liên quan tới các thế lực thù địch. Về thực chất, Pháp luân công không phải là tôn giáo, vì nó không có cơ sở thờ tự, không có giáo lý, giáo luật, cấu trúc tổ chức...Người sáng lập Pháp luân công là Lý Hồng Chí đã bỏ trốn sang Mỹ.

Năm 2000, Pháp luân công du nhập vào Việt Nam. Quá trình hoạt động và phát triển, Pháp luân công đã gây ra nhiều phức tạp về chính trị - xã hội như tuyên truyền thông tin trái phép trên mạng xã hội, gây rối trật tự công cộng, một số đối tượng tham gia Pháp luân công có hành vi vi phạm pháp luật, tu luyện để trục lợi cá nhân... Đáng chú ý, hoạt động này còn mang màu sắc chính trị, chia rẽ mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.
Tại Tuyên Quang, hoạt động của Pháp luân công những năm gần đây có diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng vận chuyển, tuyên truyền, phát tán lượng lớn tài liệu Pháp luân công tại thành phố Tuyên Quang, huyện Sơn Dương đã bị phát hiện và xử lý. Hiện nay, số người tham gia tu luyện Pháp luân công trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng, tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố và một số huyện. Để lôi kéo người dân, tổ chức này đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như phát tán tờ rơi, tặng đĩa CD, đài thu âm, sách “Chuyển pháp luân” qua đường bưu điện. Đặc biệt, thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, Pháp luân công đã tập hợp, hướng dẫn nhiều người dân tham gia tu luyện online.

Đối tượng để bọn chúng lôi kéo thuộc nhiều thành phần xã hội, có cả cán bộ, đảng viên nhưng tập trung chủ yếu vào cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên đã nghỉ hưu, những người cao tuổi. Lợi dụng tâm lý tuổi già, sợ bệnh tật, cần chăm lo sức khỏe mà không muốn phiền hà con cháu, nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã tin tưởng vào những luận điệu thiếu căn cứ của Pháp luân công: khi có bệnh tật thì cho rằng do “bị sư phụ khảo”, “bị thần trừng phạt” nên không cần phải uống thuốc hay đi khám bác sĩ, chỉ cần ngồi tu tập thì “mọi bệnh tật sẽ tiêu tan”. Đặc biệt, những người khi tham gia tu luyện Pháp luân công thường rơi vào trạng thái mê muội, không nghe bất cứ lời khuyên can từ gia đình người thân, gây mất đoàn kết trong gia đình, bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Do đó người dân cần nhận diện đúng bản chất của Pháp luân công, từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lôi kéo, kích động, tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh và vi phạm pháp luật.

Nguồn: Fanpage Người Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục