,

Phổ biến pháp luật

Quan tâm đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao mức thu nhập, giúp người dân thoát nghèo. Chính vì thế, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong dạy nghề, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo để lao động học nghề xong có thể “sống” được với nghề.

 Năm 2016 và từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 14.934 lao động, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm trên 40%. Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sau khi được học nghề đã phát triển nghề được học, đem lại thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.


Học viên học nghề Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Anh Bàn Văn Ba, dân tộc Dao ở thôn Nà Kiếm, xã Hồng Thái (Na Hang) được học lớp kỹ thuật máy nông nghiệp cho đối tượng lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số tại xã. Anh Thái cho biết, lớp học rất hữu ích vì đã giúp anh và nhiều nông dân trong xã biết sửa chữa, vận hành hiệu quả những loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhờ đó chất lượng, năng suất cây trồng ngày càng tăng. Nhiều hộ ở xã trồng cây lê, cây chè… đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả nhờ biết ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất sau khi được học nghề.

Khác với anh Ba, chị Nguyễn Thị Liên, dân tộc Tày ở thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình) đăng ký tham gia lớp học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tại xã. Hiện nay, gia đình chị Liên đã phát triển mô hình nuôi lợn đen quy mô lớn với 30 đến 40 con/lứa. Chị Liên chia sẻ, nhờ áp dụng những kiến thức trong chăn nuôi đã được học mà đàn lợn của gia đình chị lớn nhanh, không mắc các dịch bệnh. Trung bình 3 đến 4 tháng gia đình chị đã xuất chuồng 1 lứa lợn thịt đem lại thu nhập trên chục triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã tổ chức được 5 lớp đào tạo nghề cho 171 lao động là người dân tộc thiểu số  ở các xã trên địa bàn huyện. Các lớp dạy nghề gồm: May công nghiệp, trồng cây ăn quả, trồng rau đặc sản… Theo đánh giá của Trung tâm, từ nghề đã học, nhiều học viên đã đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Khi học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề, các học viên là người dân tộc thiểu số đã được tạo điều kiện về mọi mặt như: Hỗ trợ chỗ ở miễn phí, hỗ trợ kinh phí đào tạo, được giới thiệu việc làm sau khi học nghề xong... Tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang hiện nay, học sinh là người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã được nhà trường hỗ trợ miễn phí chỗ ở, được trợ cấp 1,2 triệu đồng/tháng chi phí học tập và sinh hoạt. Em Quan Thị Thanh, dân tộc Tày ở thôn Nà Lầu, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THCS em đã đăng ký lớp học văn hóa và nghề điện công nghiệp. Em rất yên tâm vì môi trường học tập tại trường tốt, sau này ra trường em vừa có bằng tốt nghiệp THPT và Trung cấp nghề nên có thể xin được việc làm ổn định để tăng thu nhập cho gia đình.

Việc quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã giúp các đối tượng có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong triển khai, thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Mạnh Tùng

Tin cùng chuyên mục