,

Chuyển đổi số

Tuyên Quang chuyển đổi số: Hành trình mới kiến tạo sự phát triển

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời đây cũng là việc mới, việc khó. Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai chuyển đổi số một cách tích cực, đúng hướng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bấm nút ra mắt ứng dụng Tuyên Quang ID.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Từ khi nghị quyết ra đời và đi vào cuộc sống ở các địa phương, các sở ngành và người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện trong đó đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm dùng chung trong cơ quan Nhà nước như Cổng dịch vụ công và hệ thống 1 cửa điện tử tỉnh; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị trực tuyến từng bước được đầu tư.

Hiện nay, có 20 sở, ban, ngành, 7 huyện, thành phố và 138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 đến mức độ 4 và có 1.876 dịch vụ hành chính công trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp, 582 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan và người dân và doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính.

Sau hơn 5 năm triển khai hợp tác, với sự quyết tâm cao của địa phương và sự đồng hành của Tập đoàn VNPT, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đột phá thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển kinh tế – xã hội. Tháng 4/2023, UBND tỉnh Tuyên Quang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2028 hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả và thành công Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang.

Các xã, phường, thị trấn đã tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của chính quyền như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử; hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng; triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đưa các sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội; tạo lập tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt...

Chị Trần Thị Hằng, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang là một tiểu thương bán hoa quả lâu năm ở chợ Tam Cờ cho biết, việc áp dụng quét mã QR thanh toán điện tử này rất thú vị và tiện lợi. Lâu nay, người bán hàng thường hay lo chuyện trả lại nhầm tiền cho khách hàng. Nếu không may tính sai, trả thừa tiền thì người bán bị thiệt, trả thiếu tiền thì khách hàng mất tin tưởng vào người bán. Có nhiều trường hợp đã xảy ra cãi vã, mất lòng nhau vì nhầm lẫn này. Việc dùng hình thức thanh toán điện tử rất tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. Nếu có xảy ra nhầm lẫn khi trả tiền thì rất dễ dàng kiểm tra và xử lý.

Ứng dụng chuyển đổi số nhằm phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế số đang trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế ở các xã, nhất là đối với các xã vùng cao, điển hình như xã Hồng Thái, (Na Hang). Nhờ có công nghệ, ngày càng nhiều người biết đến các sản phẩm du lịch nổi bật được tích hợp trên trang mạng như Lễ hội mùa hoa lê, Lễ hội ruộng bậc thang, nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao tiền. Cùng với đó rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của xã đã được vươn ra các thị trường lớn như chè Shan tuyết, lê, rau trái vụ... thông qua sàn thương mại điện tử. Qua đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Qua quá trình triển khai hợp tác cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển rộng khắp, ổn định. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung được VNPT triển khai thống nhất toàn tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc (VNPT iOffice); hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống báo cáo; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II tỉnh Tuyên Quang.

Đặc biệt, hạ tầng đường truyền cáp quang tốc độ cao và mạng di động VinaPhone 4G phủ sóng đến trung tâm các xã, huyện, thành phố trong toàn tỉnh; các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục (vnEdu), y tế (VNPT HIS), bảo hiểm xã hội, thuế, ví điện tử (VNPT Money), hóa đơn điện tử… được quan tâm triển khai mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả.

Những kết quả này đã tạo nên nền tảng hạ tầng và môi trường để tỉnh Tuyên Quang từng bước thực hiện chuyển đổi số. Từ chính quyền tới người dân, doanh nghiệp đều tăng cường hoạt động trên môi trường mạng. Nhờ đó, đến nay, chuyển đổi số không còn là khái niệm xa vời, người dân Tuyên Quang đã dần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng trải nghiệm công nghệ mới, thụ hưởng những giá trị từ chuyển đổi số.

Chỉ với 1 chiếc điện thoại trên tay có kết nối internet, người dân có thể mua mọi mặt hàng tại chợ và các quầy hàng mà không cần dùng tiền mặt.

Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, trên 1.800 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập với 10.200 thành viên trong đó nòng cốt là thanh niên, đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, các nền tảng số như: thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ đó tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống.

Theo Bà Hồ Thị Phương Lan, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 1.311 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động (BTS) tăng 82 trạm so với năm 2022; tuyến truyền dẫn cáp quang kéo đến 1.693 thôn, tổ dân phố và có khoảng 80% dân số trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh điều này đã tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt là kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy toàn diện thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hóa đơn điện tử.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Chìa khóa “chuyển đổi số” đang đi sâu vào từng lĩnh vực, vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đặc biệt là lĩnh vực y tế đã mang lại những lợi ích kép, đem lại lời giải tối ưu cho nhiều bài toán khó như, tăng chất lượng khám chữa bệnh; nâng cao năng suất lao động, tinh giản vận hành, tối ưu chi phí đầu tư. Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, là bệnh viện lớn của tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang là nền tảng vững chắc để bệnh viện thực hiện chuyển đổi số chính là từ nhiều năm về trước, bệnh viện đã thường xuyên ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin vào quản lý khám, chữa bệnh, 100% các khoa phòng của bệnh viện đều được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet. Hệ thống công nghệ thông tin kết nối liên hoàn, đồng bộ các trang thiết bị trên tất cả các khâu. Có thể thấy chuyển đổi số trong ngành y tế gắn liền với lợi ích của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

Chị Nguyễn Thị Thùy, Bí thư Đoàn trường Đại học Tân Trào chia sẻ, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Là cơ sở đào tạo đại học quy mô lớn của tỉnh để đáp ứng việc giảng dạy trong thời đại số Trường Đại học Tân Trào đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị các phần mềm quản lý dạy học trực tuyến, xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến. Ngoài ra số hóa chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo. Cùng với đó kết nối với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, cơ sở đào tạo đại học có uy tín ở Hà Nội, Thái Nguyên tổ chức các hội thảo nhằm trao đổi các kinh nghiệm trong chuyển đổi số cũng như trong đào tạo chuyên môn. Qua các hoạt động của nhà trường đã thúc đẩy chuyển đổi số cho học sinh, sinh viên và người lao động, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tháng 4/2023 tỉnh Tuyên Quang đã ra mắt ứng dụng Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang (Tuyên Quang ID) nhằm nâng cao năng lực hoạt động, cung cấp dịch vụ nghiệp vụ của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với công dân, doanh nghiệp; thiết lập kênh tương tác đa chiều giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả. Từ đó, tăng cường mối quan hệ, liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong công tác giám sát cũng như xây dựng và phát triển tỉnh Tuyên Quang và đẩy mạnh quá trình sử dụng dịch vụ công của tỉnh.

Với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của tỉnh, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến do Nhà nước cung cấp; đồng bộ các cổng dịch vụ của quốc gia, tỉnh, ngành tránh tình trạng chồng chéo.

Với những kết quả đã đạt được về công tác chuyển đổi số đã góp phần từng bước tạo nền tảng trong kế hoạch xây dựng chính quyền số, xã hội số, tạo bước đột phá về công tác chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội./.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục