,

Chuyển đổi số

Chuyển đổi để phát triển bền vững

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm.

Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất bộ đèn LED tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Xu hướng tất yếu

Phát biểu tại diễn đàn “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững” trong khuôn khổ sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của thời đại.

Hiện nay, thế giới đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn các bon thấp; từ năng lượng hóa thạch (sử dụng than, dầu mỏ, khí đốt) sang năng lượng tái tạo (gió, ánh nắng mặt trời).

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” đã chỉ rõ, giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các bon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số...

Rõ ràng, việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên không còn là việc nên làm mà trở thành việc bắt buộc phải làm.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn và Triển khai chuyển đổi số miền Bắc, Công ty cổ phần Base - nhà cung cấp dịch vụ quản trị vận hành cho rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy, 92% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số nhưng 90% doanh nghiệp chưa hiểu và 78% không biết bắt đầu từ đâu.

Thống kê của VCCI cũng cho biết, 70% ngân sách cho chuyển đổi số bị lãng phí. Nguyên nhân một phần do các doanh nghiệp chưa thực sự hiểu chuyển đổi số là gì và để làm gì, chỉ chạy theo trào lưu, dẫn tới triển khai không hiệu quả.

Cũng theo ông Bùi Trung Thành, có hai nguyên nhân lớn và thường gặp nhiều nhất (chiếm 30%) dẫn tới việc chuyển đổi số tại các đơn vị chưa thành công. Đó là lãnh đạo thiếu quyết liệt và những nhóm tiên phong trong đơn vị chưa sẵn sàng chuyển đổi số. Những nguyên nhân khác là khả năng quản trị sự thay đổi, kỳ vọng sai về chuyển đổi số, hoặc gặp vấn đề về khả năng cải tiến quy trình.

Những kinh nghiệm hay

Là một trong những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, sau 3 năm chuyển đổi số, công ty đã thiết lập mặt bằng tăng trưởng mới 15-20%, tỷ lệ tăng trưởng 8 tháng năm 2023 cũng đạt 20%.

Ông Nguyễn Đoàn Kết cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần có một mô hình chuyển đổi số riêng để phù hợp với đặc điểm của mình. Rạng Đông đã tự xây dựng mô hình gồm 4 lớp: Thích ứng nhanh, linh hoạt với thay đổi của môi trường và thị trường; mở rộng không gian tăng trưởng theo cấp số nhân; triển khai mô hình kinh doanh số, bán hàng đa kênh, đa nền tảng và trải nghiệm khách hàng.

Chia sẻ về cách thức phát triển công nghệ tích trữ năng lượng và giải pháp chuyển đổi số sang năng lượng xanh, Trưởng bộ phận Chiến lược và hợp tác VinES (Tập đoàn Vingroup) Nguyễn Đình Thứ cho hay, nhờ chuẩn bị kỹ về công nghệ, nhân sự, hiện VinES là đơn vị tiên phong tại Đông Nam Á có khả năng sản xuất từ cell pin đến pack toàn diện; cung cấp các công nghệ liên quan tới pin dùng cho nhiều quy mô từ hộ gia đình đến thương mại, công nghiệp hay những cơ sở vận hành quản lý hạ tầng điện.

Trước vấn đề công nghệ thay đổi hằng ngày, ông Nguyễn Đình Thứ cho rằng phải nắm bắt xu hướng thị trường thế giới và tăng cường hợp tác để tiếp cận sản phẩm mới nhất.

Theo giới chuyên gia, quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra thách thức cũng như cơ hội, từ việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.

Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... có nhiều yêu cầu rất khắt khe về phát triển xanh, phát triển bền vững, cũng như có các điều khoản thành lập các cơ quan liên quan đến chuyển đổi số. Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần tập trung xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, qua đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi để sớm đạt mục tiêu chung của quốc gia.

Theo: Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục