,

Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang

1. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Sở Nội vụ

1.1. Lãnh đạo Sở:

a) Sở Nội vụ có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc Sở.

b) Giám đốc Sở Nội vụ là người đứng đầu Sở Nội vụ, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ; thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Giám đốc Sở quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 15/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ Nội vụ.

c) Phó Giám đốc Sở Nội vụ là người giúp Giám đốc Sở Nội vụ phụ trách, chỉ đạo một số mặt công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nội vụ; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Sở Nội vụ.

d) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Đảng và Nhà nước.

1.2. Tổ chức các đơn vị thuộc Sở Nội vụ:

a) Phòng Tổ chức, biên chế và tổ chức phi chính phủ;

b) Phòng Công chức, viên chức;

c) Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên;

d) Phòng Cải cách hành chính;

đ) Phòng Tôn giáo.

Cơ cấu các phòng nghiệp vụ tại tiết a, b, c, d, đ trên đây, gồm: Trưởng phòng, không quá 02 Phó trưởng phòng và các chuyên viên.

e) Văn phòng Sở.

Cơ cấu gồm: Chánh Văn phòng, không quá 02 Phó Chánh Văn phòng, chuyên viên, kế toán, văn thư, lưu trữ, thủ quỹ, lái xe, phục vụ.

g) Thanh tra Sở.

Cơ cấu gồm: Chánh Thanh tra; không quá 02 Phó Chánh Thanh tra; các Thanh tra viên hoặc chuyên viên.

1.3. Tổ chức các cơ quan trực thuộc Sở Nội vụ:

a) Chi cục Văn thư - Lưu trữ:

- Vị trí, chức năng:

+ Chi cục Văn thư - Lưu trữ là tổ chức trực thuộc Sở Nội vụ, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ của tỉnh; trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh; thực hiện các hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nội vụ giao.

+ Chi cục Văn thư - Lưu trữ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở, phương tiện, biên chế, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản được giao; có trách nhiệm thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành, phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và phân cấp của Giám đốc Sở Nội vụ.

+ Chi cục Văn thư - Lưu trữ chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Nội vụ, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ.

- Cơ cấu tổ chức:

+ Lãnh đạo, gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng.

+ Các phòng chuyên môn: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ. Mỗi phòng có Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Trung tâm Lưu trữ lịch sử là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, gồm có Giám đốc, 01 Phó Giám đốc và các viên chức thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Không thực hiện việc bố trí Phó Chi cục trưởng kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử.

Sở Nội vụ xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Lưu trữ lịch sử trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Ban Thi đua - Khen thưởng:

- Vị trí, chức năng:

+ Ban Thi đua - Khen thưởng là tổ chức tương đương chi cục, trực thuộc Sở Nội vụ, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng và các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nội vụ giao.

+ Ban Thi đua - Khen thưởng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở, phương tiện, biên chế, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản được giao; thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành, phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và phân cấp của Giám đốc Sở Nội vụ.

+  Ban Thi đua - Khen thưởng là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Nội vụ, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ.

- Cơ cấu tổ chức:

+ Lãnh đạo, gồm: Trưởng ban và không quá 02 Phó Trưởng ban. Giám đốc Sở Nội vụ có thể phân công Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm nhiệm Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng.

+ Các phòng chuyên môn: Phòng Tổng hợp - Hành chính, Phòng Nghiệp vụ I, Phòng Nghiệp vụ II. Mỗi phòng có Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

1.4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nội vụ.

a) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nội vụ do Giám đốc Sở Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước, của pháp luật hiện hành và phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Trừ trường hợp Giám đốc Sở Nội vụ phân công Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm nhiệm Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng;

b) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nội vụ (gọi chung là người đứng đầu) chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ, trước pháp luật về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao phụ trách;

c) Cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nội vụ (gọi chung là cấp phó của người đứng đầu) là người giúp người đứng đầu phụ trách, theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ, trước người đứng đầu và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi người đứng đầu vắng mặt, người đứng đầu ủy nhiệm cho một cấp phó điều hành các hoạt động của cơ quan, đơn vị;

d) Việc bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở Nội vụ do Giám đốc Sở Nội vụ quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức và quy định phân cấp quản lý viên chức của tỉnh. Trừ trường hợp Giám đốc Sở Nội vụ phân công Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm nhiệm Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng.

2. Biên chế của Sở Nội vụ

2.1. Biên chế công chức của Sở Nội vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh.

2.2. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nội vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao trên cơ sở vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nằm trong tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.

2.3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.