Cán bộ công an xã hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
1 trong 3 trụ cột quyết định sự thành công của hành trình chuyển đổi số đó là xã hội số. Thực hiện xã hội số sẽ tăng tính tương tác giữa công dân số với chính quyền số, đáp ứng nhu cầu về giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận tiện hơn, minh bạch và hiệu quả hơn.
Tỉnh Tuyên Quang đã và đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội… với hơn 30 loại giấy tờ sẽ được tích hợp để thực hiện các yêu cầu của người dân trên tất cả lĩnh vực.
Người dân trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động ngày một phát triển mạnh như: thanh toán không dùng tiền mặt; tích hợp giấy tờ lên căn cước công dân thủ tục hành chính, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Chỉ cần ngồi ở nhà, sử dụng điện thoại thông minh và có tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân đã có thể dễ dàng thực hiện nhiều công việc mà không cần mất thời gian đi lại và chờ đợi như trước đây.
Các đại biểu tham quan mô hình điểm của Đề án 06 tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên.
Ông Lăng Mạnh Hoạch, thôn 7, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang cho biết, dịch vụ công trực tuyến mang đến tiện ích cho người dân giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. Nhiều dịch vụ thuận tiện và đã được liên thông giữa các ngành, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện như đăng ký khai sinh, đăng ký dịch vụ bảo hiểm y tế hoặc là khai báo tạm trú, tạm vắng chúng tôi không phải ra công an xã nữa mà làm trực tiếp, báo cáo trên điện thoại rất thuận tiện.
Trước đây, thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, người dân cần phải mang nhiều loại giấy tờ như: thẻ bảo hiểm, chứng minh thư nhân dân. Từ khi chuyển đổi số, tích hợp các thông tin thì việc khám chữa bệnh đã được thuận tiện hơn rất nhiều.
Bà Đỗ Thị Tình, ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa chia sẻ, tôi bị bệnh huyết áp cao đã nhiều năm, nên hằng tháng tôi thường phải đến trạm y tế của xã để lấy thuốc điều trị bệnh. Trong thời gian 2 năm trở về đây, các loại giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước công dân tôi thấy rất tiện lợi. Chỉ cần mang thẻ căn cước công dân đến các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được bác sĩ tra trên hệ thống rất nhanh.
Tính đến ngày 14/8/2023, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 và hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 với tổng số 558.194 tài khoản; trong đó mức 1 là 266.166 tài khoản, mức 2 là 292.028 tài khoản.
Hiện nay, đã kích hoạt thành công tổng số 415.511 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2, thu nhận 734.822 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip điện tử.
Gần 50% hồ sơ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được tiếp nhận và xử lý hoàn toàn trực tuyến; tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đạt 93,57%; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc khi sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành tỉnh Tuyên Quang.
Bà Khổng Thị Tân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn cho biết, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của nhân dân trong chuyển đổi số.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức sử dụng email công vụ, tài khoản sử dụng trên các phần mềm dùng chung của tỉnh. 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng văn bản chưa được xử lý. 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử.
Một trong những chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số là nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số. Việc thực hiện giao dịch điện tử được áp dụng trong thanh toán tiền điện, thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; thành lập các nhóm Zalo, Facebook tại các tổ liên gia, thôn dân cư.
Cán bộ y tế xã hướng dẫn người dân khai báo thông tin y tế qua hệ thống trực tuyến.
Bên cạnh đó, để phát triển xã hội số trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn triển khai xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp dịch vụ mạng di động 4G/5G, đường truyền Internet tốc độ cao để thúc đẩy, tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân; đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Hồ Thị Phương Lan, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ Thông tin và Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 20 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau.
Có 314 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% các xã có thư báo đến trong ngày. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 75%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt khoảng 55%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 84%.
Tỉnh đã triển khai các kênh tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị, phản ánh hiện trường của người dân trên nhiều lĩnh vực và qua nhiều hình thức trực tuyến như: Ứng dụng Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, Cổng thông tin điện tử tỉnh, và Trang ZaloOA “Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang"… góp phần thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương.
Theo thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh kiến nghị của tỉnh đạt 90%, tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 93,37%, điểm đánh giá đạt 17,3/18 điểm.
Nghị quyết 48-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.