Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024

31/05/2024 - 22:40
268

áng ngày 22/5/2024, tại chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm, chúc mừng Giáo hội Phật giáo ...

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc; Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Thành phố Hà Nội.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự; chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy Đại lễ Phật đản năm 2024 được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi trên cả nước, quy tụ nhiều tăng ni, phật tử và người dân tham dự, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đây là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào theo đạo Phật, là lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới được Đại hội đồng Liên Hợp quốc công nhận.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân sâu sắc, Thủ tướng trân trọng gửi tới chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, đồng bào phật tử trong và ngoài nước những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 thành tựu viên mãn.

Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, Phật đản đã trở thành ngày lễ thiêng liêng của mỗi người con Phật, là dịp để cùng tôn vinh những giá trị cao đẹp mà Phật giáo mang đến cho đời sống con người, đó là tinh thần từ bi, trí tuệ, đoàn kết và phát triển. Đại lễ Phật đản là cơ hội cho các tăng ni, phật tử ôn lại cuộc đời của Đức Phật nhằm khích lệ nghị lực của người con Phật trên lộ trình tu tập. Qua hàng nghìn năm, lễ Phật đản đã trở thành một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Ngày nay, Phật đản không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, hòa hợp cùng phát triển.

Phật giáo là tôn giáo của từ bi, nhân ái và tính hướng thiện, ra đời vì cuộc sống của con người và cho chính hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Trong thực hành giáo lý và cuộc sống, đạo Phật luôn đề cao tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác” - đạo và đời luôn gắn liền nhau. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu và hòa nhập vào xã hội Việt Nam, trở thành một thành tố trong nền văn hóa truyền thống cao đẹp của người Việt Nam.

Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “Hộ quốc an dân”, “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo luôn hướng đến con người. Bên cạnh đó, với 03 lần tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo thế giới và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định chính sách nhất quán về tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của tăng, ni, phật tử Việt Nam đối với cộng đồng xã hội và đất nước trong thời gian qua. Thủ tướng tin tưởng rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm kỳ 2022-2027 với nhiều thành công trong công tác Phật sự; hoạt động và phát triển theo định hướng “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã đề ra; đồng thời, hướng dẫn tăng ni, tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần đó, cùng với các tôn giáo khác trong cả nước, Thủ tướng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện phương châm “1 đẩy mạnh - 2 tiên phong - 3 trọng tâm”. “1 đẩy mạnh” là đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết trong Nhân dân. “2 tiên phong” là tiên phong vận động đồng bào cả nước hiến tạng, hiến máu cứu người với tinh thần “cho đi là còn mãi”, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cả nước; tiên phong chống mê tín, dị đoan, bảo đảm hoạt động tôn giáo lành mạnh với tinh thần “đạo và đời - đời và đạo”, kiên quyết không để các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống lại Nhà nước, dân tộc, Nhân dân, hoặc trục lợi, vì động cơ cá nhân, vi phạm quy định cả về Phật pháp và pháp luật. “3 trọng tâm” là góp phần giáo dục lòng yêu nước, thương dân trong phật tử và trong toàn xã hội với tinh thần “Hộ quốc an dân”; sống tốt đời đẹp đạo, phát huy hiệu quả hơn nữa tư tưởng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau với tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn”, nhất là trong khó khăn, hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ...

Trân trọng cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác tới chúc mừng Đại lễ Phật đản năm 2024, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết cùng với Phật giáo trên toàn thế giới, tăng ni, phật tử cả nước đang hân hoan chào đón lễ Phật đản - Vesak với những ước muốn hòa bình và an lạc.

Dưới sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, ngành, lễ Phật đản tại Việt Nam được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành tựu, kết quả như ý, khẳng định tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên một đất nước hòa bình, thống nhất; thể hiện tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp, dấn thân của Phật giáo Việt Nam trong phụng sự dân tộc, chúng sinh và phát triển đạo pháp một cách ổn định, trang nghiêm theo chương trình hành động và phương châm của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, ngành đối với các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục hướng dẫn tăng ni, đồng bào phật tử thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Hiến chương của Giáo hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

bình luận

Tìm kiếm
Văn bản chỉ đạo điều hành
Văn bản chỉ đạo điều hành
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Vũ Ngọc Khánh - Trưởng BBT, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Cơ quan chủ quản: Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Đường Lý Thánh Tông, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073.822.432 - Email: noivu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 76/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 06/10/2021
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang (https://sonoivu.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang