Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo từ năm 2004 đến nay

06/12/2024 - 17:30
48

Mỗi một thời kỳ lịch sử, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở một lĩnh vực, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xây dựng, ban hành, hoàn thiện pháp luật trên cơ sở chủ trương, chính sách của Nhà nước và tình hình thực tiễn để quản lý. Lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cũng không nằm ngoài sự điều chỉnh, hoàn thiện đó. Bài viết tập trung điểm lại các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo từ năm 2004 đến nay và một số đánh giá khách quan về các văn bản này.

1. Các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo từ năm 2004 đến 01/01/2018

Cùng với sự hội nhập và giao lưu quốc tế, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng cũng ngày một phát triển. Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo bằng việc nhất quán nguyên tắc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, của mọi người trong các văn kiện, nghị quyết. Bên cạnh đó, các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước cũng được đẩy mạnh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo. Sự quan tâm, bảo đảm và tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước đối với người có tín ngưỡng, tôn giáo trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội cũng là những đảm bảo quan trọng để họ có điều kiện thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình, từ đó, ngày càng tạo được niềm tin, sự kỳ vọng và khích lệ các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ngày 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TW về công tác tôn giáo. Đây là Nghị quyết đầu tiên về công tác tôn giáo được công khai, thể hiện tinh thần đổi mới, nhìn nhận khách quan của Đảng và Nhà nước về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị quyết số 25/NQ-TW đã khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta[1]. Tiếp đó, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng đưa ra định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta trong đó có định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về dân tộc, tôn giáo theo hướng tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo đảm quyền của công dân về tự do tín ngưỡng, phát huy những mặt tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo...[7]. Xuất phát từ nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân trong thời kỳ đổi mới và yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/6/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (Pháp lệnh). Để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh đã được ban hành (Nghị định số 22/2005/NĐ-CP). Tiếp đó ngày 08/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh (Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP). Đây là các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta thời kỳ từ cuối năm 2004 đến trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành.

Thời kỳ này, để giải quyết những vấn đề còn tồn tại và mới nảy sinh liên quan đến sinh hoạt tôn giáo của người dân theo đạo Tin Lành, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và người Mông, người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 04/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin Lành (Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg). Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ra đời phần nào đã làm bình thường hóa sinh hoạt tôn giáo của những người theo đạo Tin Lành, làm cho người dân có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo yên tâm, gắn bó hơn với cộng đồng[9].

Năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Hiến pháp năm 2013) với những nội dung quan trọng liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định và mở rộng chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là “mọi người”. Tiếp đó, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 quy định ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Và các quyền về con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng [8]. Bên cạnh sự ra đời của Hiến pháp năm 2013, tình hình hoạt động tôn giáo, thời gian qua, cũng có những biến động cả mặt tích cực lẫn tiêu cực trong khi đó văn bản QPPL về tín ngưỡng, tôn giáo (Pháp lệnh, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP) đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần sớm thay thế bằng một văn bản QPPL có giá trị pháp lý cao hơn để phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013. Đây chính là lý do cho sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Thời kỳ này cũng có nhiều thay đổi đối với các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp. Thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế và giảm đầu mối các cơ quan, Chính phủ đã ban hành các văn bản: Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 08/8/2007 về việc chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ[2]; Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[3]; Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh[4]; Thông tư số 04/TT ngày 04/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và Quyết định số 134/2009/QĐ-TTg ngày 03/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ[10]; Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[5]; Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh[6]; Thông tư số 15/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Nội vụ thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cũng như những tồn tại, hạn chế của các văn bản QPPL về tín ngưỡng, tôn giáo nêu trên, ngày 18/11/2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) được Quốc hội thông qua. Để quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật, ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đồng thời có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Đây là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất quy định về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo từ trước đến nay ở Việt Nam.

So với các văn bản QPPL quy định trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trước đây, bên cạnh những nội dung kế thừa có chọn lọc các quy định, Luật đã có rất nhiều quy định mới, tiến bộ, khắc phục những tồn tại, bất cập của pháp luật về tôn giáo thời gian qua cũng như có nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tôn giáo, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện và đảm bảo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những điểm mới của Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP như: (1) Luật đã mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; (2) Rút ngắn thời gian để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo từ 23 năm giảm xuống 05 năm; (3) Công nhận tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân phi thương mại; (4) Bổ sung điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo và thay đổi cách thức quản lý đối với các cơ sở này; (5) Bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; (6) Bổ sung theo hướng tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam không chỉ được sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo thông qua người đại diện của cơ sở mà còn có thể thuê, mượn địa điểm hợp pháp để cùng nhau sinh hoạt tôn giáo; (7) Vấn đề tiếp nhận và quản lý tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài;...

Năm 2021, Bộ Nội vụ sơ kết 03 năm triển khai thi hành Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập như cùng về một nội dung nhưng các nghị định khác của Chính phủ đã có quy định khác, nhiều nội dung cần có biện pháp thi hành nhưng Nghị định số 162/2017/NĐ-CP chưa quy định,... Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều nội dung mới thay thế cho Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

Thời kỳ này, các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp tiếp tục có sự thay đổi, cụ thể: Quyết định số 32/2018/QĐ-TTg ngày 03/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, ngày 27/12/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ, theo đó Ban Tôn giáo Chính phủ từ cơ quan tương đương Tổng cục đã chuyển thành cơ quan tương đương Cục trực thuộc Bộ Nội vụ.

Ngoài các văn bản QPPL trên, thời kỳ này còn có một số các văn bản pháp luật ở các lĩnh vực khác có các quy định liên quan đến hoạt động tôn giáo như Luật Đất đai (2013, 2024), Luật Xây dựng (2014, 2020),...

3. Đánh giá pháp luật về tôn giáo hiện nay

Pháp luật về tín ngưỡng, tôn  giáo hiện nay có những ưu điểm sau đây:

Một là, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã quán triệt, vận dụng sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.

Mỗi một giai đoạn lịch sử, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta cũng luôn biến động, phát triển. Trong điều kiện đó, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Sự thay đổi đó theo hướng ngày càng hoàn thiện, tiến bộ, tích cực về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Ở giai đoạn này, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện sự nhất quán trong chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, cũng đưa ra các quy định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước.

Hai là, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo là công cụ sắc bén đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống lại Đảng, Nhà nước ta.

Một số thế lực luôn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống lại Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Khách thể mà các thế lực này nhằm phá hoại là khách thể đặc biệt, đó là sự bền vững của chế độ, là độc lập chủ quyền của đất nước. Và điều nguy hiểm hơn khi âm mưu đó được che đậy, đội lốt dưới danh nghĩa tôn giáo, dân tộc. Nhận thức được âm mưu đó, ngay từ khi nước Việt Nam được độc lập và trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, đặt ra các nhiệm vụ chống lại các âm mưu nhằm chia rẽ đồng bào lương - giáo, lợi dụng nhân quyền, tôn giáo để vu khống Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Quan điểm này được Nhà nước tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng triển khai các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với mọi âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ba là, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo góp phần quan trọng trong việc củng cố khối đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc trong phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là phương tiện hữu hựu để đấu tranh bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân góp phần tích cực vào việc đoàn kết đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền vận động tín đồ các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc vận động tín đồ, chức sắc các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, cùng toàn dân phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Bốn là, về hình thức và nội dung của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thời kỳ này đã có nhiều thay đổi. Về hình thức các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ dừng lại ở Nghị định mà đã có Pháp lệnh, Luật. Về nội dung, ngoài việc kế thừa các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trước đây, các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều quy định mới, thông thoáng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo. Đây cũng là thời kỳ có nhiều văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng có những hạn chế, tồn tại nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, một số nội dung chưa được quy định trong pháp luật về tôn giáo hoặc đã được quy định nhưng khó thực hiện, cụ thể:

Luật quy định tất cả các cơ sở tín ngưỡng, không phân biệt quy mô, mức độ đều phải có người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng (trừ cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ); chưa quy định số lượng thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; chưa quy định nhiệm kỳ của người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng.

Quy định tại Điều 34 của Luật về đăng ký bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc về cơ bản được các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đón nhận. Tuy nhiên, việc quy định trước khi bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc, các tổ chức có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký những người dự kiến được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử đang gây khó khăn cho một vài tổ chức Tin Lành hay Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i. Vì theo quy định của các tổ chức này thì không có dự kiến trước nhân sự. Đây cũng chính là xung đột giữa quy định của Luật và quy định của tổ chức tôn giáo. Điều này sẽ dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện các quy định còn ở mức độ.

Quy định của Luật tại một số điều khoản về việc tổ chức tôn giáo (trung ương giáo hội của các tổ chức) là chủ thể thực hiện như Điều 16 (đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung) hay Điều 37 (điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo),… cũng dẫn đến một thực tế là đa số các tổ chức tôn giáo hiện nay có cấp trung ương giáo hội, nhưng bên cạnh đó có những tổ chức không có trung ương giáo hội như Giáo hội Công giáo Việt Nam,… thì tổ chức nào sẽ đứng ra thực hiện nếu không có cơ chế ủy quyền. Mặt khác, đối với cả các tổ chức tôn giáo có trung ương giáo hội nhưng sẽ khó khả thi, gây khó khăn nếu không áp dụng cơ chế đại diện, ủy quyền.

Tại một số điều của Luật liên quan bổ nhiệm, bầu cử, suy cử nhân sự của các tổ chức phải có phiếu lý lịch tư pháp như đăng ký hoạt động tôn giáo; công nhận tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc;... Mặc dù, đây là quy định phù hợp trong xu thế hiện nay cũng như phù hợp với pháp luật liên quan nhưng đối với các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành thường tuổi cao và nhiều người ở vùng sâu, vùng xa vì vậy sẽ khó khăn trong việc thực hiện.

Luật chưa có quy định cho phép người Việt Nam làm chức sắc ở nước ngoài về Việt Nam giảng đạo cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Thứ hai, một số quy định trong pháp luật về tôn giáo còn phải vận dụng các quy định của pháp luật chuyên ngành khác dẫn đến khó khăn trong thực hiện và hiệu quả áp dụng chưa cao

Pháp luật về tôn giáo quy định rất nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo, song nhiều quy định còn phải vận dụng quy định của pháp luật chuyên ngành khác, cụ thể:

Luật quy định ở nhiều điều, khoản liên quan đến đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hay công nhận tổ chức tôn giáo có nhiều điều kiện và một trong những điều kiện quan trọng phải có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo, để làm trụ sở. Bên cạnh đó, Điều 2 của Luật cũng giải thích về địa điểm hợp pháp là nhà ở, đất, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật; Điều 3 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP giải thích về giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp. Vậy để biết được địa điểm đó có hợp pháp hay không, giấy tờ đó là loại giấy tờ nào còn cần linh sang các luật khác như đất đai, xây dựng, nhà ở, dân sự,...

Một số quy định khác nữa để minh chứng cho vấn đề phải vận dụng nhiều quy định của pháp luật như tại Điều 57, 58, 59 (về đất đai, xây dựng phải thực hiện theo pháp luật chuyên ngành) hay vấn đề tổ chức tôn giáo thực hiện hoặc tham gia các hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo. Việc phải tìm kiếm các quy định của pháp luật chuyên ngành để áp dụng song hành cùng với pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo là một thử thách đối với nhiều tổ chức tôn giáo khi năng lực, trình độ của đội ngũ chức sắc, chức việc còn ở mức độ.

Thứ ba, pháp luật về tôn giáo còn thiếu các biện pháp chế tài

Chế tài là một biện pháp cần thiết để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi có vi phạm pháp luật. Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cũng vậy, nếu các tổ chức, cá nhân tôn giáo; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như mọi tổ chức, cá nhân khác vi phạm, Nhà nước sẽ có biện pháp răn đe, xử lý. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành đã có quy định tại Điều 64: Căn cứ quy định của Luật này và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, đến nay, Luật đã có hiệu lực gần 07 năm nhưng Chính phủ vẫn chưa ban hành được Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Trong thực tế, một số hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hiện nay chỉ có thể vận dụng các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan để xử phạt đối với các trường hợp cụ thể (môi trường, an ninh trật tự,...). Các vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như sinh hoạt tôn giáo tập trung, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, các hoạt động tôn giáo không đúng quy định của pháp luật về cơ bản không thể vận dụng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực có liên quan để xử lý. Việc thiếu các quy định chế tài, làm cho pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay không được thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này không cao.

TS. Nguyễn Thị Định

Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2003), Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Chính phủ (2007), Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 08/8/2007 về việc chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ.

3. Chính phủ (2008), Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Chính phủ (2008), Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

5. Chính phủ (2014), Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

6. Chính phủ (2014), Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

7. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2005), Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về cải cách Bộ máy nhà nước, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội, tr.9-10.

 8. Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013.

9. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 về một số công tác đối với đạo Tin Lành.

10. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 134/2009/QĐ-TTg ngày 03/11/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.

Nguồn: btgcp.gov.vn

bình luận

Tìm kiếm
Văn bản chỉ đạo điều hành
Văn bản chỉ đạo điều hành
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Vũ Ngọc Khánh - Trưởng BBT, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Cơ quan chủ quản: Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Đường Lý Thánh Tông, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073.822.432 - Email: noivu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 76/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 06/10/2021
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang (https://sonoivu.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang