Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số cấp xã

03/08/2023 - 17:23
528

Chuyển đổi số cấp xã là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công ...

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản VNeID.

Để chuyển đổi số thành công trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp xã đến thôn, nhất là triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng thôn, bản. Đây là lực lượng trực tiếp truyền thông, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn, bản, tổ dân phố.

Cùng với đó, các xã, phường, thị trấn đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng Internet. Hiện nay hạ tầng số của tỉnh đã được đầu tư khá đồng bộ, 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng băng rộng cáp quang và được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Các đơn vị cấp xã đã tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của chính quyền như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử; hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng...; triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đưa các sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội; tạo lập tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt...

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính quyền số là một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà cấp xã thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với trường Chính trị tỉnh đưa nội dung chuyển đổi số vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số, nền tảng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đây là những điều kiện khá thuận lợi để cấp xã đẩy mạnh chuyển đổi số.

Tại xã Tứ Quận, 100% cán bộ, công chức của xã đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản để xử lý văn bản trên môi trường mạng. Công chức bộ phận Một cửa của xã đã cài đặt các phần mềm chuyên ngành để xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính. Đồng chí Ma Thị Hào, công chức Tư pháp - hộ tịch xã Tứ Quận cho biết, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, chị đã cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính các phần mềm đề xử lý công việc. Hàng ngày, chị cũng thường xuyên khai thác thông tin trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

So sánh kết quả giữa trước và sau khi thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Ma Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết: hệ thống quản lý văn bản và điều hành được tích hợp chữ ký số trên hệ thống phần mềm để gửi, nhận văn bản điện tử. Do đó có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết kịp thời, người dân không phải chờ đợi lâu. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không còn tình trạng tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản như trước. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Trung tâm Viễn thông 5 Chiêm Hóa tăng cường nâng cấp hạ tầng Di động, Internet, Băng thông rộng tốc độ cao đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt nhất cho việc triển khai các giải pháp số.

Để phát triển kinh tế số, các xã, phường, thị trấn đã được hỗ trợ thực hiện đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc cho các nông sản trước khi gia nhập thị trường.

Hợp tác xã Thổ Bình (Lâm Bình) sau nhiều năm sản xuất đã có sản phẩm có mặt tại nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử quốc gia như Voso.vn, Postmart.vn... Ông Ma Ngọc Thành, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc đưa các mặt hàng như lạc nhân, dầu lạc lên các sàn thương mại điện tử sẽ mở ra cơ hội cho hợp tác xã tập trung vào chế biến sâu sản phẩm thay vì xuất bán thô, phụ thuộc vào một thị trường như trước đây.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đơn vị đang tập trung hỗ trợ các xã đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số; cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn; đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch. Đồng thời, hướng dẫn quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ sản xuất tác nghiệp trong quá trình mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, cấp xã đang tập trung thực hiện tiêu chí xã hội số với các lĩnh vực trọng yếu gồm: y tế, giáo dục và an ninh trật tự. Trong đó, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai tích hợp sử dụng phần mềm số hóa và liên thông các loại báo cáo, sổ sách và tới cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần giảm tải công việc hành chính cho các trạm. Toàn bộ dữ liệu dân số, số hộ của các xã được cập nhật vào hệ thống là cơ sở để triển khai và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, tạo thuận lợi hơn cho công tác khám chữa bệnh, đáp ứng được chủ trương lớn của ngành Y tế.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn. Đồng chí Triệu Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh, huyện Yên Sơn cho biết: Với đặc thù địa bàn rộng, dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thời gian qua tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Trung Minh luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước thực tế đó, Công an xã đã chủ động tham mưu UBND xã triển khai thực hiện mô hình “Camera an ninh trật tự”. Đến nay đã có 17 camera an ninh được lắp đặt tại các tuyến đường huyết mạch, khu vực giao lộ, điểm họp chợ, sinh hoạt, trung tâm hành chính xã… Từ đó, lực lượng Công an có thể theo dõi được địa bàn rộng, những điểm nóng, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Mô hình “Camera an ninh trật tự” trên địa bàn xã Trung Minh đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, việc triển khai chuyển đổi số ở cấp xã còn nhiều khó khăn và nhiều việc phải làm.Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu giải pháp, mô hình tổng thể về chuyển đổi số cho cấp xã, dẫn đến chỉ thực hiện được các bước cơ bản. Ngoài ra, những khó khăn trong chuyển đổi số toàn diện ở cấp xã còn xuất phát từ nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn chưa đầy đủ về chuyển đổi số và các nội dung liên quan đến chuyển đổi số. Hạ tầng số như máy tính, các thiết bị phù trợ nhiều nơi đã được đầu tư nhưng xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã. Một số xã đường truyền Internet chưa ổn định, chưa được quan tâm sử dụng, phát huy đường truyền Internet cố định FTTH 100Mb...

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số ở cấp xã, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất cần phải có mô hình tổng thể về chuyển đổi số tại các địa phương nhằm áp dụng hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đưa ra; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT; xây dựng, ban hành chính sách, quy định khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ và triển khai các nền tảng số trong xây dựng Chính quyền số tại địa phương.

Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn cần đặt ra các mục tiêu cụ thể, thiết thực, gắn với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó tập trung vào các hoạt động phát triển kinh tế số, xã hội số.

bình luận

Tìm kiếm
Văn bản chỉ đạo điều hành
Văn bản chỉ đạo điều hành
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Vũ Ngọc Khánh - Trưởng BBT, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Cơ quan chủ quản: Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Đường Lý Thánh Tông, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073.822.432 - Email: noivu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 76/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 06/10/2021
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang (https://sonoivu.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang