Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ đồng chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Vũ Chiến Thắng và Trương Hải Long chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại trụ sở Bộ Nội vụ có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; Cục trưởng, Vụ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ các Bộ, Ban, ngành Trung ương; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các đơn vị cấu thành của đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; Thường trực Đảng ủy Bộ; lãnh đạo Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ; Phó Chủ tịch Thường trực Công Đoàn Bộ; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ và công chức từ ngạch Chuyên viên chính trở lên; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của Hà Nội và của Bộ Nội vụ.
Tại điểm cầu các địa phương có Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ban đảng thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc, Phó Giám đốc, người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Sở Nội vụ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Trưởng phòng Phòng Nội vụ cấp huyện; đại diện các cơ quan truyền hình, báo chí tại địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “tăng tốc” để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vượt qua những khó khăn chung của bối cảnh quốc tế, những thách thức từ biến đổi khí hậu, hậu quả của cơn bão Yagi - cơn bão thế kỷ, năm 2024 đi qua với nhiều dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước: 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc; chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 15 bậc; chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc... Đó là những dấu mốc rất đáng tự hào của đất nước ta. Và đóng góp vào trong thành tựu chung to lớn đó của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Nội vụ.
8 kết quả nổi bật ngành Nội vụ năm 2024
Một là, xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2024, toàn Ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển. Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 23 Thông tư và văn bản hợp nhất.
Hai là, đặc biệt đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương mà đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả; trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ,công chức,viên chức.
Thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay); bổ sung quy định Quỹ tiền thưởng hằng năm bằng 10% tổng quỹ tiền lương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Ba là, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương - thành phố Di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025: Thành lập mới Thành phố Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 38 ĐVHC cấp huyện và 1.178 ĐVHC cấp xã, sau sắp xếp giảm 09 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.
Bốn là, tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.
Năm là, nỗ lực, quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm và hiệu quả. Chú trọng đổi mới đánh giá, xếp loại và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phân cấp, phân quyền triệt để trong trong tuyển dụng, đổi mới nâng ngạch công chức, bỏ thi và thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảm gánh nặng, thủ tục, quy trình, được sự đồng tình, thống nhất cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Sáu là, tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, lấy sự phát triển kinh tế - xã hội làm thành tựu, lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực. Cải cách hành chính ngày càng đi vào chiều sâu hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, nâng cao chất lượng của xây dựng thể chế, tháo gỡ, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, không ngừng góp phần khơi nguồn cho phát triển.
Bảy là, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành Nội vụ, tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của toàn ngành và địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hoàn thành, đồng bộ, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tám là, công tác đối ngoại công vụ với nhiều hoạt động hợp tác chiến lược, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn nhìn nhận còn không ít những hạn chế, tồn tại và những khó khăn vướng mắc đặt ra từ thực tiễn. Theo đó, cần phải nghiêm túc nhận diện để khẩn trương khắc phục, tháo gỡ điểm nghẽn, đặc biệt là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ.
Ngành Nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thời điểm chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thời điểm hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp và cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành Nội vụ; đồng thời, vận hành bộ máy hành chính nhà nước sau sắp xếp bảo đảm tính liên tục, thống nhất và ổn định phát huy được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả,… Theo đó, nhiệm vụ của của ngành Nội vụ năm 2025 là rất nặng nề. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ, hơn lúc nào hết, ngành Nội vụ cần có quyết tâm cao hơn, có khát vọng lớn hơn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực dự báo, chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết tốt những vẫn đề đặt ra từ thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm sau đây: (1) Phân tích, nhận diện sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những kết quả đạt được trên từng lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Nội vụ năm 2024, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và tìm ra bài học kinh nghiệm cho năm 2025. (2) Tham gia, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt Chương trình công tác năm 2025 của ngành Nội vụ nhằm thể chế hoá kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với ngành Nội vụ. (3) Tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến tâm huyết, thiết thực, trách nhiệm để Hội nghị tổng kết thực sự thành công.
Toàn cảnh Hội nghị
Nguồn: moha.gov.vn