Hội thảo Lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

01/09/2023 - 22:57
546

Chiều ngày 30/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) phối hợp tổ chức Hội thảo: Lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương và Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn; Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng; Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Trần Trung Kiên; các đồng chí Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội; đại diện Vụ Pháp luật, Vụ Hành chính - Văn phòng Quốc hội; đại diện các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuôc Trung ương...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, Luật Lưu trữ được thông qua năm 2011, sau hơn 10 năm thực hiện tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc, đã có chuyển biến tích cực trong hoạt động lưu trữ. Bên cạnh kết quả đạt được, với sự phát triển kinh tế xã hội, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách mới về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý của Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật mới có liên quan rất chặt chẽ đến công tác lưu trữ. Do đó, việc sửa đổi Luật Lưu trữ là rất cần thiết nhằm đáp ứng chủ trương của Đảng, yêu cầu của thực tiễn.

Trên cơ sở kết quả thẩm tra, tháng 9/2023, sẽ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội, dự kiến trình Quốc hội trung tuần tháng 10/2023.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng báo cáo tai Hội thảo

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Luật Lưu trữ năm 2011 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. Qua hơn 10 năm thực hiện, công tác lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương và lưu trữ lịch sử các cấp đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan, tổ chức cũng như yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Lưu trữ hiện hành cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, thời gian qua, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách mới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Nguyễn Xuân Hùng phát biểu tại Hội thảo

Theo chương trình của Hội thảo, có 05 báo cáo tham luận được trình bày gồm: Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) - Những vấn đề cần điều chỉnh (Ông Nguyễn Mạnh Chủ, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Thái Bình); Hoạt động phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ khác trong Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) - Dưới góc nhìn từ một Trung tâm Lưu trữ quốc gia (Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV); Lưu trữ tài liệu điện tử trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) (Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng phòng, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông); Một số suy nghĩ về việc sưu tầm, bảo quản di sản tư liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng (Giáo sư, Viện Sỹ Nguyễn Huy Mỹ, Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu Nga-Việt, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga); Quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ông Phan Long Hồ, Chi cục trưởng, Chi cục Văn thư - Lưu trữ Thành phố Hồ Chí Minh).

PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư, Lưu trữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng nhận được gần 10 ý kiến của đại biểu đến từ Hội Văn thư, Lưu trữ Việt Nam (PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội), Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam (Ông Đinh Thế Vinh, Chủ tịch Hội); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ông Đoàn Văn Huy, Phó Chánh Văn phòng), Bộ Tư pháp (Ông Nguyễn Văn Quân, Chuyên viên Vụ Pháp luật hình sự - hành chính); Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  (ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng)… góp ý cho dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)  

Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử. Các đại biểu cũng đánh giá cao, việc Quốc hội đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, dự kiến sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu tới.

Nhiều ý kiến đánh giá cao việc dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã dành một chương điều chỉnh nội dung về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và một chương về Quản lý lưu trữ tư. Đây là bước chuyển lớn về nhận thức đối với vai trò, vị trí đặc biệt của tài liệu lưu trữ, để tài liệu được “sống và phục vụ” xã hội bằng cả những giá trị lịch sử và thực tiễn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị xem xét một số nội dung về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; quản lý lưu trữ tư; thu lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ và đăng ký cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; đối tượng cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ…

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang khẳng định, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ hơn các bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về lưu trữ; đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về lưu trữ để đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ… Đặc biệt, nhiều ý kiến đã góp ý trực tiếp vào các điều khoản cụ thể, đưa ra hướng xử lý hợp lý, hiệu quả và khoa học hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, hiệp hội và chuyên gia trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để có dự thảo Luật có chất lượng cao nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu tới.

bình luận

Tìm kiếm
Văn bản chỉ đạo điều hành
Văn bản chỉ đạo điều hành
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Vũ Ngọc Khánh - Trưởng BBT, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Cơ quan chủ quản: Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Đường Lý Thánh Tông, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073.822.432 - Email: noivu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 76/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 06/10/2021
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang (https://sonoivu.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang