Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: mục tiêu, thách thức và cơ hội

23/12/2024 - 11:38
349

Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đây là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mục tiêu của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, quá trình này đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sức ép từ bộ máy cồng kềnh, tâm lý bảo thủ trong một bộ phận cán bộ, cũng như những khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự và bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức. Trên tất cả, cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ là yếu tố then chốt để vượt qua những rào cản và hiện thực hóa những mục tiêu này.

Nhận diện những thách thức

Xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả và minh bạch; giảm thiểu tối đa lãng phí nguồn lực, kiên quyết tinh gọn chức năng chồng chéo; đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế là những mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều thách thức lớn đã và đang đặt ra, cản trở tiến độ cũng như kết quả của công cuộc sắp xếp, tinh gọn. Đòi hỏi các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức, bảo đảm quá trình cải cách bộ máy được thực hiện một cách triệt để, bền vững và hiệu quả. Cụ thể:

Thách thức về mặt tổ chức là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị hiện nay đang diễn ra khá phổ biến. Đây là một trong những thách thức lớn, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt để khắc phục.

Việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ là yêu cầu bắt buộc, phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản và hợp lý, bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ quan trọng, đồng thời kiên quyết chấm dứt tình trạng trùng lặp, lãng phí.

Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, đòi hỏi sự quyết tâm cao, vượt qua lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bởi việc phân công lại chức năng thường gặp phải sự phản ứng từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là những đơn vị, cá nhân có nguy cơ bị cắt giảm quyền hạn hoặc thu hẹp quy mô. Việc thiếu một lộ trình cụ thể, các tiêu chí thống nhất và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành khiến cho việc thực hiện trở nên rời rạc, chắp vá và kém hiệu quả, thậm chí gây ra những hệ lụy tiêu cực.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, có tới 20% số cơ quan và đơn vị bị phát hiện có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Điển hình như ở các lĩnh vực như quản lý tài nguyên và môi trường, thanh tra, kiểm tra hay trong các cơ quan cấp huyện, cấp xã, việc phân chia trách nhiệm chưa rõ ràng đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi “dẫm chân nhau” trong thực thi công việc, gây lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, có tới 20% số cơ quan và đơn vị bị phát hiện có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Điển hình như ở các lĩnh vực như quản lý tài nguyên và môi trường, thanh tra, kiểm tra hay trong các cơ quan cấp huyện, cấp xã, việc phân chia trách nhiệm chưa rõ ràng đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi “dẫm chân nhau” trong thực thi công việc, gây lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Thứ hai, thách thức về mặt nhân sự. Tinh gọn bộ máy đồng nghĩa với việc cắt giảm biên chế và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của cán bộ, công chức.

Nếu không có cơ chế, chính sách hợp lý, giải quyết thỏa đáng, việc tinh gọn nhân sự có thể dẫn đến tình trạng bất mãn, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, gây khó khăn lớn trong quá trình thực hiện cuộc cải cách toàn diện bộ máy của hệ thống chính trị. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ thích hợp về tài chính, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công tác phù hợp để cán bộ, công chức an tâm công tác, cống hiến.

Thứ ba, thách thức về mặt văn hóa và tư duy. Tâm lý e ngại thay đổi, tư duy “an phận”, sợ khó, tìm cách vụ lợi, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn còn là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt trong các cơ quan bộ máy vốn có tính ổn định cao. Sự thay đổi đồng nghĩa với việc phá bỏ những “lối mòn”, đòi hỏi sự thích ứng với môi trường làm việc mới, áp lực công việc lớn hơn và yêu cầu về năng lực cao hơn.

Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, thiếu động lực làm việc, chọn phương án “an toàn” hoặc có biểu hiện ngầm chống đối. Tinh gọn bộ máy không chỉ đòi hỏi phải thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức quản lý, từ chỗ coi trọng số lượng sang tập trung vào chất lượng và hiệu quả công việc. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ, công chức, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, cản trở quá trình tinh gọn bộ máy.

Thứ tư, thách thức về chính sách. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tinh giản biên chế, song việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định cụ thể vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc tinh gọn bộ máy.

Theo Báo cáo tổng kết công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ năm 2022, từ năm 2015 đến 2021, cả nước đã tinh giản được 79.000 biên chế (tương đương 10,1%), song chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức bị tinh giản vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ đối với những cán bộ, công chức bị tinh giản như đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc các chế độ bồi thường thỏa đáng còn triển khai thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả, gây khó khăn cho công chức trong việc ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm mới.

Do đó, cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tinh giản biên chế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đang phải đối mặt với những thách thức lớn trên nhiều phương diện, từ khía cạnh tổ chức, nhân sự, văn hóa, xây dựng và thực thi chính sách… Những khó khăn này không chỉ làm chậm tiến độ tinh gọn bộ máy mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Để tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị thành công, cần có các chính sách, giải pháp đồng bộ, toàn diện và thực tế, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức và tạo điều kiện thuận lợi để họ thích ứng với sự thay đổi. Đồng thời, cần có sự quyết tâm chính trị cao từ các cấp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể, khoa học, trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng thực trạng, nhận diện rõ khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tập trung thay đổi tư duy, văn hóa làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức thực sự “trung thành, trách nhiệm, liêm chính, mẫu mực, tận tụy, phục vụ nhân dân”, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, khát vọng cống hiến và sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của thời đại mới. Có như vậy, quá trình tinh gọn bộ máy chính trị mới thực sự đem lại kết quả bền vững và góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, hiệu quả và minh bạch.

Giải pháp để đạt hiệu quả cao nhất

Để tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đạt được hiệu quả cao nhất, cần triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện và khoa học, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu mới trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ mà còn cần đến sự phối hợp nhịp nhàng giữa cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ hiện đại và bảo đảm sự đồng thuận trong xã hội.

Mỗi giải pháp đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy chính trị tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và minh bạch, góp phần phục vụ tốt hơn nữa, để bắt kịp, tiến cùng và vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Cải cách thể chế là giải pháp nền tảng để tạo ra cơ sở pháp lý và chính sách đồng bộ hỗ trợ cho việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Để thực hiện cải cách thể chế một cách hiệu quả, cần tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và khả thi.

Trước hết, cần rà soát, đánh giá tổng thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nhằm loại bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lặp và phân bổ lại nhiệm vụ một cách khoa học. Cần xác định rõ chức năng của từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng nhiều cơ quan cùng đảm nhiệm một nhiệm vụ hoặc bỏ sót nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi quá trình tinh gọn, bao gồm các chính sách tái đào tạo, chuyển đổi vị trí việc làm và bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức. Việc cải cách thể chế cần được thực hiện một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Phát triển nguồn nhân lực là giải pháp then chốt để bảo đảm chất lượng và hiệu quả của bộ máy sau khi tinh gọn. Trong bối cảnh mới, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ dừng lại ở trình độ chuyên môn mà còn bao gồm khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Do đó, cần tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên môn hóa cao, đáp ứng các yêu cầu công việc ngày càng phức tạp. Quá trình này cần gắn với việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ một cách hợp lý, bảo đảm mỗi cá nhân đều được bố trí công việc phù hợp với năng lực và sở trường của mình để phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đánh giá, phân loại cán bộ một cách khách quan, công khai, dựa trên kết quả làm việc và đóng góp thực tế. Những cán bộ năng lực yếu kém cần được đào tạo lại hoặc chuyển đổi công việc phù hợp hơn, trong khi những cá nhân có năng lực vượt trội cần được tạo điều kiện để phát huy tối đa khả năng; kịp thời phát hiện, bổ nhiệm những cán bộ có đức, có tài vào các vị trí quan trọng trong bộ máy.

Đồng thời, việc xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, khuyến khích tinh thần học hỏi, đổi mới sáng tạo của cán bộ cũng là yếu tố quan trọng giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bộ máy tinh gọn và hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý, điều hành là giải pháp quan trọng để giảm tải công việc hành chính và cắt giảm nhân lực.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý, điều hành là giải pháp quan trọng để giảm tải công việc hành chính và cắt giảm nhân lực.

Các giải pháp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây... và hệ thống quản lý hành chính điện tử cần được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan của bộ máy, từ đó tự động hóa nhiều khâu trong quy trình làm việc, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực.

Việc xây dựng các mô hình quản trị thông minh, như chính phủ điện tử và thành phố thông minh, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách thuận lợi, đồng thời nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy chính trị.

Ứng dụng chuyển đổi số còn giúp cải tiến phương thức làm việc, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, để giải pháp này đạt hiệu quả cao, cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức để họ có thể thích ứng với môi trường làm việc mới.

Bảo đảm sự đồng thuận xã hội giúp quá trình tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả bền vững. Để có sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân, cán bộ, công chức hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của quá trình tinh gọn.

Việc minh bạch thông tin, công khai kết quả thực hiện tinh gọn là yếu tố quan trọng giúp tạo niềm tin cho người dân và cán bộ, công chức. Cần nhấn mạnh rằng, tinh gọn bộ máy không phải là cắt giảm một cách cơ học, mà là nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Khi mọi người hiểu rõ, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tinh gọn bộ máy, họ sẽ sẵn sàng ủng hộ, hợp tác và tham gia vào quá trình này.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản hồi, ý kiến đóng góp của người dân, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các cán bộ, công chức bị ảnh hưởng trong quá trình tinh gọn. Sự đồng thuận từ xã hội, hệ thống chính trị sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để quá trình tinh gọn bộ máy diễn ra thuận lợi, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Hội nhập quốc tế là cơ hội lớn để học hỏi kinh nghiệm trên thế giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị và cải thiện hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. Hội nhập quốc tế tạo ra áp lực tích cực, buộc các cơ quan nhà nước phải không ngừng cải tiến để bắt kịp các chuẩn mực quốc tế về quản lý.

Một hệ thống chính trị minh bạch, hiệu quả không chỉ tạo ra niềm tin cho người dân trong nước mà còn thu hút sự quan tâm, tin tưởng của các đối tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác và phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với sự ứng dụng chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội để thực hiện thành công việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp như cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, và ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp không chỉ nâng cao hiệu quả của bộ máy chính trị mà còn tạo ra một môi trường công tác minh bạch, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị là xu hướng tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đây là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc trên tất cả các phương diện. Với quyết tâm chính trị cao, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chúng ta tin tưởng rằng sẽ thực hiện thành công mục tiêu tinh gọn, góp phần xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.

Theo Nhân Dân

bình luận

Tìm kiếm
Văn bản chỉ đạo điều hành
Văn bản chỉ đạo điều hành
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Vũ Ngọc Khánh - Trưởng BBT, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Cơ quan chủ quản: Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Đường Lý Thánh Tông, Phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073.822.432 - Email: noivu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 76/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 06/10/2021
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang (https://sonoivu.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ này
Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang