Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, ngày 16/4/2024
Việt Nam có vị trí là điểm giao lưu của nhiều luồng văn hóa. Tôn giáo đã du nhập vào nước ta qua nhiều thế kỷ. Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên, có những thời kỳ Phật giáo đã phát triển rực rỡ, được triều đình, người dân coi như là “quốc đạo”. Quá trình phát triển, đạo Phật đã tiếp biến, hòa nhập với tín ngưỡng, văn hóa của người Việt trở thành đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Từ thế kỷ XV, Hồi giáo đã du nhập vào nước ta, đầu tiên là ở cộng đồng dân tộc Chăm và tiếp biến, tồn tại cùng với văn hóa bản địa. Từ đầu thế kỷ XVI, Công giáo (Thiên Chúa giáo) bắt đầu du nhập vào nước ta, song song với quá trình mở rộng thị trường tư bản chủ nghĩa Âu châu. Khi thực dân Pháp lập chế độ thống trị ở nước ta, Công giáo có điều kiện phát triển nhanh ở nhiều vùng trong cả nước. Đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, xuất hiện những cơ sở đầu tiên của đạo Tin Lành, sau này các hệ phái Tin Lành có nguồn gốc từ Mỹ đã xâm nhập, phát triển mạnh, nhất là ở miền Nam trước năm 1975. Trong thời kỳ khủng hoảng xã hội ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, ở Nam Bộ đã xuất hiện đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo và một số loại hình tôn giáo khác… Như vậy, trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), nước ta đã là nước có nhiều tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), tôn giáo ở Việt Nam bị các thế lực thực dân, đế quốc lợi dụng một cách triệt để nhằm phục vụ cho các lợi ích riêng của họ. Tình hình tôn giáo trở nên phức tạp, gây mâu thuẫn xã hội, chia rẽ trong Nhân dân.
1. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương, nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc. Ngày 03/9/1945, một ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, nhận rõ vấn đề tôn giáo và đại đoàn kết toàn dân tộc, tại cuộc họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nêu ra 08 nhiệm vụ cấp bách, trong đó vấn đề thứ sáu là: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”(1). Ngày 23/11/1945, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 65 về việc bảo tồn các di tích, trong đó Điều 4 quy định: “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác”(2).
Trong suốt giai đoạn từ năm 1945-1975, đất nước phải trải qua chiến tranh, chia cắt hai miền, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng. Trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tôn giáo đúng đắn. Thừa nhận thực trạng đa tôn giáo; thực sự tôn trọng quyền theo hoặc không theo tôn giáo của Nhân dân. Kiên trì tuyên truyền, giác ngộ đồng bào có tôn giáo đi theo sự nghiệp cách mạng của Đảng, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, ấm no cho Nhân dân; xây dựng xã hội mới không mâu thuẫn với đức tin tôn giáo. Đặc biệt, bằng tấm gương và sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động đồng bào tôn giáo, nhà tu hành, chức sắc các tôn giáo, các nhân vật quan trọng của tôn giáo. Thông qua việc khơi gợi ý thức đồng hành cùng dân tộc, lòng yêu nước của đồng bào gần gũi, thăm hỏi, động viên, quan tâm giải quyết nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tham gia kháng chiến, không bị mắc mưu địch chia rẽ Nhân dân... Chính bằng những chủ trương, chính sách tôn giáo đúng đắn ấy đã tập hợp, phát huy được sức mạnh to lớn của cả dân tộc để làm nên những chiến thắng vĩ đại của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam không từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Đặc biệt, sau sự khủng hoảng, sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, với mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó, việc lợi dụng tôn giáo được xác định là điểm mấu chốt để lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối.
Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trong lĩnh vực công tác tôn giáo, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra: “Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Lãnh đạo giúp đỡ đồng bào theo tôn giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc. Cảnh giác, kiên quyết và kịp thời chống lại âm mưu, thủ đoạn của bọn đế quốc và phản động chia rẽ đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo, giữa đồng bào theo đạo này với đồng bào theo đạo khác”(3). Tiếp theo, ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết nêu: “Ra sức chăm lo cuộc sống vật chất, văn hóa, nâng cao trình độ mọi mặt của đồng bào có đạo, thực hiện tự do tín ngưỡng...; tăng cường đoàn kết lương - giáo, đoàn kết toàn dân”(4). Ba quan điểm chỉ đạo công tác tôn giáo trong quá trình đổi mới, đó là: công tác tôn giáo vừa quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa kịp thời đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo phá hoại cách mạng; nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; làm tốt công tác đối với các tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ-TW của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, tình hình tôn giáo từng bước đi vào ổn định. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… đã và đang tác động mạnh mẽ vào nước ta. Bên cạnh đó, nhận thức về tôn giáo, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn giáo trong xã hội, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa đầy đủ, thống nhất. Ngày 12/3/2003, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo, khẳng định tầm quan trọng của công tác tôn giáo: “Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng”. Xác định rõ “Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(5).
Các quan điểm, nhiệm vụ đổi mới nhận thức tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng là cơ sở để Nhà nước thể chế hóa thành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nghị định số 69/NĐ-HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng “Quy định về các hoạt động tôn giáo” là văn bản mở đầu cho việc thể chế hóa thành chính sách, pháp luật trong thời kỳ đổi mới đất nước. Tiếp theo là Nghị định 26/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ “Về các hoạt động tôn giáo”. Ngày 18/6/2004, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được ban hành; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định rõ hơn trong Hiến pháp năm 2013. Gần đây nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội ban hành năm 2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Việc xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay. Cùng với các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đã từng bước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo được sự đồng thuận cao giữa hệ thống chính trị và các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo vì lợi ích chung của toàn xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
2. Thực tế tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là minh chứng phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Qua hơn 30 năm thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo, diện mạo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có sự thay đổi lớn. Năm 1999, nước ta mới có 06 tổ chức thuộc 06 tôn giáo được Nhà nước công nhận (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo), với khoảng 14,7 triệu tín đồ (chiếm khoảng 19,4% dân số). Năm 2003, có 15 tổ chức tôn giáo được công nhận, thuộc 06 tôn giáo với khoảng 17 triệu tín đồ/hơn 80 triệu dân, chiếm 21,8% dân số cả nước, 34.181 chức sắc, 78.913 chức việc. Đến năm 2019, số tín đồ theo các tôn giáo đã tăng lên trên 26 triệu người, chiếm 28,4 % dân số (tăng 35% so với năm 2003), gần 60.000 chức sắc, 145.000 chức việc; 41 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được chính quyền công nhận, cấp đăng ký hoạt động. Đến tháng 11/2021, có gần 26,6 triệu tín đồ của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, chiếm trên 27% dân số cả nước, 29,658 cơ sở thờ tự. Năm 2022, có trên 27,2 triệu tín đồ, chiếm 27,4% dân số. Năm 2023, có 27,7 triệu tín đồ, chiếm 27,7% dân số, trên 54,5 nghìn chức sắc, trên 14 nghìn chức việc. Trong 20 năm (2003-2023) số lượng tín đồ tăng hơn 10,7 triệu người, chỉ số về chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự đều gia tăng; số tôn giáo gia tăng 10 tôn giáo, từ 06 lên 16 tôn giáo. Ngoài ra, còn hàng chục hệ phái, nhóm tôn giáo mới du nhập, chưa đủ điều kiện để công nhận tổ chức hoặc đăng ký hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, nhưng đa số đã được chính quyền cơ sở cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung với hàng nghìn điểm nhóm. Bên cạnh đó, cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam theo tôn giáo khác nhau, được chính quyền cơ sở cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; điển hình là cộng đồng Tin Lành Hàn Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Không gian hoạt động của tôn giáo được mở rộng, Phật giáo, Công giáo, Tin Lành có ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố; Cao Đài, Minh Sư đạo đã có sự dịch chuyển ra phía Bắc, hình thành một số giáo hội cơ sở và cộng đồng tin theo. Một số loại hình tôn giáo mới đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hiện có hơn 2,612 triệu người dân tộc thiểu số theo các tôn giáo, chiếm 19,5% dân số dân tộc thiểu số; có 8.080 chức sắc tôn giáo là người dân tộc thiểu số; 4.733 cơ sở thờ tự, 4.630 điểm sinh hoạt tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên 70% dân số Việt Nam không theo tôn giáo nào nhưng đều có đời sống tín ngưỡng rất phong phú, với khoảng 50.000 cơ sở tín ngưỡng trên khắp cả nước.
Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng trao Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, ngày 27/12/2023
Chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết, giao đất cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở tôn giáo đáp ứng nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng, phù hợp với thực tế. Năm 2003, cả nước có 20.929 cơ sở thờ tự tôn giáo, đến năm 2019 đã có 29.396 cơ sở thờ tự (sau 15 năm tăng 8.465 cơ sở, tỷ lệ gần 30%). Hầu hết các cơ sở tôn giáo đều được sửa chữa, xây dựng mới khang trang. Các cơ sở đào tạo của tôn giáo được tạo điều kiện thành lập, chiêu sinh, giảng dạy đáp ứng nhu cầu. Tính đến tháng 02/2021, các tôn giáo ở Việt Nam có 62 cơ sở đào tạo chức sắc, nhà tu hành với trên dưới 10.000 học viên đang theo học. Đến hết năm 2020, đã có khoảng gần 10.000 xuất bản phẩm tôn giáo được xuất bản với số lượng hàng chục triệu bản (riêng Kinh Thánh xuất bản trên một triệu bản); các tổ chức tôn giáo có 15 tờ báo và tạp chí, trong đó có nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín, nhiều trang thông tin điện tử, website của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động(6)… Tổ chức giáo hội các cấp được củng cố; hoạt động đối ngoại của tổ chức và cá nhân tôn giáo được mở rộng. Một số lễ trọng của tôn giáo trở thành lễ hội văn hóa chung của đông đảo Nhân dân, thể hiện đạo - đời hòa hợp, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo Việt Nam tăng cường giao lưu, kết nối với quốc tế. Hằng năm, có hàng trăm lượt chức sắc tôn giáo Việt Nam tham dự các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và hàng nghìn lượt cá nhân tôn giáo nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam giảng đạo và tham gia các hoạt động, sự kiện tôn giáo. Đại lễ Phật đản (VESAK) Liên Hợp quốc được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội năm 2008 với trên 1.500 đại biểu đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình năm 2014 với sự tham dự của hơn 1.000 chức sắc, tín đồ đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ; tại chùa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam (tháng 5/2019) với sự tham dự của trên 3.000 đại biểu chính thức (trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ). Giáo hội Công giáo tổ chức Năm Thánh 2011 tại Việt Nam với những nghi lễ trang trọng, tại buổi lễ bế mạc có sự tham dự của 50 giám mục, trong đó có 06 giám mục nước ngoài; Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu tháng 12/2012 tại tỉnh Đồng Nai với sự tham dự của trên 120 giám mục, đại biểu Công giáo từ các giáo phận trong khu vực châu Á và đại diện Tòa thánh Va-ti-căng. Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tổ chức Hội nghị tại Đồng Nai (tháng 7/2019) với đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia7... Nhân kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành vào Việt Nam năm 2011, nhiều hoạt động kỷ niệm lớn được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều đại biểu Tin Lành nước ngoài (Hoa Kỳ, Hàn Quốc…)... Tại các diễn đàn, các tổ chức tôn giáo của Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc.
Các tôn giáo ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, khẳng định vai trò và sự ảnh hưởng của tôn giáo tới đời sống xã hội, con người. Với phương châm, đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc đã động viên, khích lệ chức sắc, tín đồ “dấn thân”, tham gia tích cực các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, giúp đỡ người bệnh tật, khó khăn… góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo”(7).
Đó là thực tế minh chứng cho quan điểm, chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.
3. Cần nhận rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta
Bất chấp tình hình thực tế và những thành tựu về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, các đối tượng thù địch, thiếu thiện chí ở trong nước và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hòng chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Khi sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt ngày 09/3/2023. Cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình tôn giáo, chính sách tôn giáo và những thành tựu trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Qua đó, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Ngay lập tức một số trang báo điện tử như RFA, VOA, RFI… cùng nhiều trang mạng của các tổ chức, cá nhân chống đối đã có những bài viết, bình luận sai trái, đánh giá một cách tiêu cực về cuốn sách này. Họ cho rằng, việc Việt Nam cho ra đời sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo là nhằm che đậy các vi phạm về tự do tôn giáo kéo dài và nghiêm trọng. Họ lập luận rằng, chính vì “những vi phạm nghiêm trọng này” mà Mỹ quyết định đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo” (02/12/2022). Những đánh giá đó, dựa trên nhận định của số đối tượng cực đoan, chống đối, bất mãn do không đạt được lợi ích cá nhân đã ly khai khỏi các tôn giáo, tổ chức tôn giáo, sau đó liên kết lại với nhau thành lập những tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo để phục vụ ý đồ, động cơ riêng. Được các tổ chức phản động bên ngoài “giật dây”, cổ xúy, như nhóm mạo xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, “Phật giáo Hòa Hảo thuần túy”, “Hội đồng liên tôn”… Những nhóm mạo xưng này không đại diện cho bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào, không vì lợi ích chung của cộng đồng, do đó, những phát ngôn, nhận định mà họ chia sẻ với phóng viên của các trang báo điện tử, các trang mạng xã hội nêu trên cũng chỉ mang tính chủ quan, phiến diện một chiều, mang tính thù địch với Nhà nước Việt Nam, không thể coi là “đại diện cho tiếng nói tôn giáo” ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhóm, đối tượng chống đối còn tập trung tuyên truyền xuyên tạc lịch sử đất nước, tình hình đời sống Nhân dân, kết quả phát triển kinh tế - xã hội...; lợi dụng một số yếu kém, bất cập trong công tác quản lý ở một số địa phương, cơ sở để thổi phồng những hạn chế, yếu kém của các cấp chính quyền, cho rằng nguyên nhân là do Đảng độc quyền lãnh đạo; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Lợi dụng một số vấn đề chính trị, xã hội nhạy cảm của đất nước như: chống tham nhũng, vấn đề Biển Đông, quan hệ đối ngoại, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung, chính sách về đất đai, biện pháp chống dịch COVID-19… hay như khi Quốc hội dự thảo, ban hành các văn bản pháp luật phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước như: Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc thù, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… để công khai phê phán, xuyên tạc, kích động tín đồ chống đối.
Lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Một số chính trị gia, chính giới ở các nước, có nhãn quan thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam công khai ban hành một số nghị quyết, luật, dự luật xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, nhằm quốc tế hóa vấn đề tôn giáo, tạo cớ pháp lý can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tháng 10/1998, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật HR2431 “Về tự do tôn giáo quốc tế” với 08 biện pháp ngoại giao và 07 biện pháp chế tài đối với các nước mà Mỹ cho là “đàn áp tôn giáo” thuộc danh sách “quốc gia quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC)”. Thực tế năm 2004, 2005, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách CPC và chỉ được gỡ bỏ năm 2006. “Đạo luật thúc đẩy tự do tôn giáo và dân chủ ở Việt Nam” (HR 1587) năm 2004; Báo cáo đánh giá về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam ngày 22/11/2019, “Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế” hằng năm của Ủy ban Tự do Tôn giáo Mỹ… đều có nội dung phản ánh sai lệch tình hình tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam. Năm 2019, Văn phòng Tự do Tôn giáo thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (Sam Brownback) đã đề xuất đưa Việt Nam vào “danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” (SWL) - danh sách các quốc gia họ cho là nơi các điều kiện tự do tôn giáo bị vi phạm nhưng không nghiêm trọng đến mức bị đưa vào danh sách CPC và thực tế tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách này. Trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố trong 05 năm gần đây dù phải thừa nhận thực tế về những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, song vẫn có đánh giá sai trái rằng “Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo, đặc biệt nhắm vào các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận dưới nhiều hình thức”. Tháng 02/2021, “Tổ chức theo dõi nhân quyền” (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã cáo buộc Việt Nam dù chống dịch thành công nhưng đã lợi dụng COVID-19 để biện minh cho các hành động vi phạm nhân quyền, cho rằng “Việt Nam đang lợi dụng COVID-19 để vi phạm nhân quyền”, cản trở và vi phạm “quyền được hội họp ôn hòa của người dân” trong đó có việc tụ tập, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo(8).
Lợi dụng các diễn đàn quốc tế, như: các kỳ đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam với các nước, kiểm điểm việc thực hiện các công ước nhân quyền Liên Hợp quốc, các phiên đàm phán về các hiệp định thương mại, các diễn đàn đa phương… một số chính giới và số đối tượng phản động của người Việt ở nước ngoài đã tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp, kỳ thị tôn giáo, đưa ra các điều kiện yêu cầu “Việt Nam đảm bảo tự do tôn giáo” để mặc cả, gây sức ép, dưới chiêu bài bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền, “tự do tôn giáo”… Những hoạt động trên đã thể hiện rõ thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo can thiệp thô bạo, trắng trợn vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền của một số chính giới trong chính quyền một số nước và một số tổ chức nhân danh quốc tế muốn áp đặt luật pháp của nước mình cho nước khác. Việc tự cho mình quyền đưa ra các đạo luật để phán xét tình hình tôn giáo ở Việt Nam không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, can thiệp vào công việc nội bộ nước ta mà còn là hành động “bật đèn xanh” cho các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng để chống phá Việt Nam.
Bên cạnh việc tuyên truyền xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động còn thực hiện âm mưu gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc để kích động ly khai, bạo loạn, làm mất ổn định an ninh trật tự ở các vùng chiến lược, tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Biểu hiện cụ thể của hoạt động này là họ tài trợ tiền, huấn luyện “cốt cán” là đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với các thủ đoạn tuyên truyền về “ngày tận thế” để hù dọa đồng bào, tuyên truyền mê tín dị đoan gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng; lợi dụng việc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, nói xấu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; lừa mị, kích động, lôi kéo đồng bào vào các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Thời gian qua, ở những địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bọn phản động đã tuyên truyền, lôi kéo lập ra một số hình thức gọi là “tôn giáo riêng” cho người dân tộc thiểu số, làm đầu mối tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống đối, âm mưu thành lập “nhà nước riêng” ở Tây Nguyên, Tây Bắc, gây bạo loạn, mất an ninh chính trị ở địa bàn. Khi chính quyền vận động xóa bỏ thì các đối tượng phản động lại rêu rao “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, kêu gọi quốc tế can thiệp…
4. Một số giải pháp
Thời gian tới, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, kết hợp với các thủ đoạn khác để chống phá Việt Nam. Điều đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, gắn với thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Nhân dân.
Một là, tiếp tục thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và xã hội: tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Hai là, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo là hai mặt có tác dụng tương hỗ. Đòi hỏi phải phân biệt rõ đâu là nhu cầu, nguyện vọng tôn giáo chính đáng của quần chúng để có giải pháp quan tâm, tạo điều kiện, giúp đồng bào sinh hoạt tôn giáo ổn định, đúng pháp luật; đâu là yếu tố lợi dụng tôn giáo vào các mục đích phi tôn giáo, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước cần phải kiên quyết đấu tranh.
Ba là, tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ của tổ chức đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật, như: tổ chức lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo; đào tạo, suy cử chức sắc, in ấn kinh sách, giao đất, xây sửa cơ sở thờ tự, hoạt động đối ngoại tôn giáo... Tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, tín đồ tôn giáo hiểu và nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Việt Nam.
Bốn là, vận động và hướng dẫn các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật. Phát huy vai trò của tôn giáo đối với xã hội, có các chính sách và giải pháp phù hợp để phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo đóng góp vào sự phát triển của đất nước, gắn bó đạo với đời.
Năm là, tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn đa phương nhằm giúp cộng động quốc tế hiểu rõ tình hình tôn giáo, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách tôn giáo và thực tế tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta... kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các phương tiện tuyền thông, mạng xã hội...
Lê Đình Nghĩa
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995. T 4, tr 8.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995. T 4, tr 23.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2006, tr.451.
4. PGS, TS. Nguyễn Hồng Dương, Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo, Nxb. Khoa học Xã hội, H.2015, tr.169.
5. Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), về công tác tôn giáo.
6. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo theo Quyết định số 219/QĐ-TTg, ngày 21/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo…
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.45.
Nguồn: https://btgcp.gov.vn/