,

Cải cách hành chính

Triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022

Sáng ngày 4-1, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, triển khai nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2022. Dự họp có các thành viên Ban chỉ đạo.

 

Theo Báo cáo đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tháng 10 - 2021, Tuyên Quang xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố cả nước về mức độ chuyển đổi số.

 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì cuộc họp.

Năm 2021, bên cạnh những thuận lợi: Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN). Tỷ lệ cán bộ, công chức (CBCC) tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh được trang bị máy tính đạt 100%; tỷ lệ CBCC tại UBND cấp huyện trang bị máy tính đạt 100%; tỷ lệ CBCC tại UBND cấp xã trang bị máy tính đạt 98,6%. Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng cho tất cả các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đảm bảo liên thông 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Tính tới tháng 12/2021, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 98%... Công tác chuyển đổi số của tỉnh còn gặp khó khăn về thực hiện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, về chính quyền số, nhận thức, thể chế, hạ tầng, nền tảng số, môi trường pháp lý để triển khai, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và việc đảm bảo an toàn thông tin còn hạn chế…

Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch triển khai với các nội dung: Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC); triển khai giám sát an toàn an ninh thông tin 4 cấp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh; triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung cho máy vi tính của các cơ quan nhà nước; xây dựng nền tảng chính quyền số: mở rộng kho dữ liệu dùng chung, trục kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP); cổng cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh; nền tảng ứng dụng dùng chung; Nền tảng Chính quyền số trên thiết bị thông minh (Mobile App), đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 chạy trên nền tảng di động; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số cho các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; triển khai, nâng cấp các ứng dụng dùng chung; xây dựng mạng diện rộng (WAN); tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị phục vụ cho chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu đề nghị cơ quan thường trực cần tham mưu rà soát đánh giá những tồn tại, những việc cần làm, thời gian thực hiện; việc chủ trì cơ sở dữ liệu phải mang tính liên thông; cần có đơn vị tư vấn thực hiện, cần xác định nhiệm vụ của từng đơn vị để xây dựng, tích hợp với kế hoạch chung của tỉnh…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố cần thay đổi nhận thức, cần có ý tưởng và cách làm cụ thể về chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; xác định rõ hiện trạng, dự kiến 5 năm tới phải làm gì, gửi cơ quan thường trực tổng hợp, rà soát những đầu việc cần thiết để có tư vấn thực hiện. Đồng thời, chú trọng đào tạo nhân lực thực hiện, dự kiến thuê hạ tầng công nghệ thông tin.

Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương phải thực hiện 2 nhiệm vụ là xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; có bộ tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương./.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục